Tìm kiếm
51 Trần Hưng Đạo Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
(0233) 3554715sotttt@quangtri.gov.vn
 

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ nghề làm chổi đót


Ngày cập nhật: 05/07/2023 4:18:58 CH


Với khát vọng vươn lên làm giàu cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (27 tuổi), thôn Ngô Xá Đông, Triệu Trung (huyện Triệu Phong) quyết định khởi nghiệp từ nghề làm chổi đót, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương. Mỗi tháng, cơ sở của chị Nhung cho ra thị trường khoảng 12 - 15 nghìn chiếc chổi, với giá bán bình quân từ 30 - 35 nghìn đồng/cái, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

 

Cơ sở sản xuất chổi của chị Nhung tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

 

Trước khi bén duyên với nghề làm chổi đót, chị Nhung từng tốt nghiệp chuyên ngành dược, Cao đẳng y tế Quảng Nam mang theo hy vọng sẽ được khoác lên chiếc áo blu trắng tại một cơ sở y tế nào đó cho thỏa đam mê sau bao năm đèn sách. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình chị Nhung đành gác lại giấc mơ này do thu nhập thấp và không có thời giam chăm sóc con nhỏ.

 

Nhận thấy nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương còn nhiều, trong khi không có nghề phụ làm thêm, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung đã tìm hiểu, học hỏi và mạnh dạn vay vốn mở cơ sở sản xuất chổi đót tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời giúp nhiều lao động phụ nữ ở địa phương có việc làm thêm, tăng thu nhập.

 

 Ban đầu, công việc bó chổi để bán lẻ của chị Nhung không diễn ra suôn sẻ. Chị loay hoay tìm mối bán chổi, tìm thị trường tiêu thụ. Phải mất một khoảng thời gian dài, nhiều người mới tin tưởng chất lượng cây chổi do cơ sở chị Nhung làm ra.

 

Chị Nhung chia sẻ: “Muốn có một cây chổi đót  bền, đẹp thì chất lượng đót là yếu tố đóng vai trò quyết định. Vì vậy chị thường đặt đót chất lượng tốt với số lượng lớn để chủ động dự trữ nguyên liệu dùng cả năm. Đót sau khi đưa về sẽ được xé đọt rồi buộc thành từng lọn nhỏ. Các lọn sau khi buộc xong phải y như một về hình dáng, trọng lượng, kích thước. Tuyệt đối không được phép có lọn to lọn nhỏ, lọn ngắn lọn dài, lọn nặng lọn nhẹ. Nếu buộc lọn không đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ thẩm mỹ của cây chổi. Sản phẩm hoàn thiện khi cầm phải chắc tay, cán và lưỡi phải được gắn kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất”.

 

Ngoài lao động chính là vợ chồng chị Nhung còn có một số các bà, các mẹ, trong thôn, trong xã đến làm. Nhận thấy công việc cũng nhẹ nhàng, thời gian không gò bó như làm trong doanh nghiệp nên nhiều chị em đến xin làm. Từ hai bàn tay trắng, đến giờ vợ chồng chị Nhung đã có công việc ổn định và tạo thêm việc làm cho nhiều người dân ở địa phương. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương, trong đó có 7 lao động thường xuyên là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, khuyết tật ở nhiều độ tuổi khác nhau.

 

Tùy theo kỹ năng, độ thuần thục, các chị em phụ nữ sẽ tham gia vào các công đoạn bóc tách, phân loại nguyên liệu, bó và bện chổi. Tuy là nghề phụ nhưng đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn thoát nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, với thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Chị Trần Thị Kim Loan, thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung là  người nhận đót tại cơ sở chị Nhung về nhà làm đã hơn 1 năm nay. Trước đây kinh tế gia đình chị phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vì đang có con nhỏ nên chị không thể đi làm ăn xa được. Từ ngày nhận đót làm thêm chổi tại cơ sở sản xuất chổi đót của chị Nhung, gia đình chị có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng để trang trải cho cuộc sống.

 

Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Trung, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN xã tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều chị em đã tận dụng được nguồn vốn vay, mạnh dạn khởi nghiệp không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho các chị em khác, điển hình là mô hình chổi đót của chị Nhung. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cơ sở chị Nhung cũng như nhiều mô hình khởi nghiệp của chị em phụ nữ trên địa bàn xã được tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh”.

 

Bài, ảnh: THANH HẰNG


Họ tên: *
Số điện thoại :
Email: *
Nội dung liên hệ:
 


QUỸ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

- Địa chỉ: Phòng 301, Nhà F, Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội
- Điện thoại: 024 37957855

- Email: smedf1@mpi.gov.vn

- Người liên hệ: Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Website: http://smedf.gov.vn
 
 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!


NHỮNG DỰ ÁN KHÁC
Kinh doanh dịch vụ nấu ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao (24/1/2024)
Quảng Trị: Chế tạo thành công máy xay ép đa năng (23/1/2024)
Quảng Trị: Triển vọng lớn từ nuôi cá chim vây vàng (17/10/2023)
Muối lạc rong biển – Từ món ăn dân dã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao (23/1/2024)
Thanh niên Vĩnh Linh lập nghiệp từ mô hình trồng cây ăn quả (19/9/2023)
Khởi nghiệp với gian hàng tạp hóa (1/8/2023)
Ý tưởng khởi nghiệp với chảo cá bống kho (1/8/2023)
Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ nghề làm chổi đót (5/7/2023)
Những sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh quảng trị được giới thiệu tại kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh niên khởi nghiệp quảng trị online-quangtrimart.vn (5/7/2023)