Tìm kiếm
51 Trần Hưng Đạo Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
(0233) 3554715sotttt@quangtri.gov.vn
 

Giảm nghèo bền vững bằng các mô hình chăn nuôi ở xã Xy


Ngày cập nhật: 08/01/2024 8:30:31 SA

Từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã Xy, huyện Hướng Hóa đã lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để triển khai đến các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Qua một thời gian triển khai, đến nay các mô hình đã bước đầu đạt được hiệu quả và tạo niềm tin, kỳ vọng giúp cho các gia đình xóa được đói nghèo để vươn lên ổn định đời sống. Xã Xy được ghi nhận là điểm sáng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của huyện Hướng Hóa.

 

Anh Hồ Văn Thăn, thôn Ra Po, xã Xy, huyện Hướng Hóa trồng chuối vừa để bán thương phẩm, vừa tận dụng thân chuối, buồng chuối thải loại để làm thức ăn nuôi lợn bản - Ảnh: Đ.V

 

Cùng với 32 hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trong xã, gia đình anh Hồ A Xa, thôn Ra Man, xã Xy đã được lựa chọn để triển khai thực hiện mô hình nuôi dê. Đây là một trong những mô hình của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện Hướng Hóa. Theo đó, đầu năm 2022, gia đình anh Xa được hỗ trợ 4 con dê giống để thực hiện mô hình.

 

Được hướng dẫn kỹ lưỡng về cách chăm sóc, phòng tránh bệnh tật cho đàn dê, anh Xa cảm thấy rất lạc quan về hiệu quả kinh tế của mô hình này. Dê là con nuôi có đặc tính sinh sản khá nhanh, việc chăm sóc khá đơn giản và nguồn thức ăn dành cho loại vật nuôi này rất dễ kiếm tại địa phương. Từ khi được hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, anh Xa đã tập trung chăm sóc đàn dê một cách tốt nhất với kỳ vọng sẽ sớm thoát nghèo và khá lên.

 

Hằng ngày anh Xa tranh thủ đi cắt lá cây, kiếm rau cỏ, tận dụng các thân cây chuối, chuối buồng thải loại... làm thức ăn cho dê. Cùng với đó, anh cũng làm chuồng trại kiên cố, cao ráo, rộng rãi giúp đàn dê sinh sống thoáng sạch và hạn chế dịch bệnh. Đến nay, sau gần 2 năm nuôi, đàn dê của gia đình anh Xa đã sinh sản nhân đàn lên đến 20 con. Từ mô hình nuôi dê đã giúp gia đình anh Xa có nguồn thu nhập từ 15-20 triệu đồng mỗi năm.

 

Anh Xa chia sẻ: “Từ chỗ có cuộc sống rất khó khăn, thu nhập bấp bênh nhưng nhờ được nhà nước hỗ trợ mô hình nuôi dê, gia đình tôi hiện đã có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ vậy, gia đình tôi đã có điều kiện để cải thiện đời sống tốt hơn, con cái được học hành đầy đủ. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc tốt đàn dê để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

 

Tương tự gia đình anh Xa, gia đình anh Hồ Văn Thăn ở thôn Ra Po, xã Xy cũng là hộ nghèo trong nhiều năm qua. Để tạo điều kiện cho gia đình anh Thăn vươn lên, chính quyền địa phương đã xét và hỗ trợ cho gia đình anh 3 con lợn bản giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ cần cù và chịu khó học hỏi các kiến thức về chăn nuôi, phòng bệnh nên đã giúp mô hình chăn nuôi lợn bản của anh Thăn phát triển tốt.

 

Từ số lợn giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay gia đình anh Thăn đã phát triển lên đến 7 lợn mẹ và sinh được 23 lợn con. Những lợn nuôi có giống tốt sẽ được gia đình giữ lại để nhân đàn, số lợn còn lại gia đình anh Thăn xuất bán để tạo thu nhập trang trải cuộc sống.

 

“Nhờ số lợn giống của nhà nước hỗ trợ, chăm chỉ thực hiện mô hình chăn nuôi lợn bản mà gia đình tôi hiện nay có thu nhập mỗi năm trên 30 triệu đồng. Từ hộ nghèo, gia đình tôi đã vươn lên hộ cận nghèo và quyết tâm trong một thời gian nữa sẽ thoát nghèo, phấn đấu có cuộc sống khấm khá”, anh Thăn chia sẻ.

 

Những năm qua, được sự hỗ trợ từ các kênh khác nhau, chính quyền xã Xy đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giúp người dân phát triển sản xuất. Đồng thời xã đã phối hợp mở các lớp đào tạo nghề, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y. Đặc biệt, xã đã tăng cường đầu tư cải tạo đàn gia súc, gia cầm, phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gò đồi phù hợp với trình độ sản xuất, phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đảm bảo để công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững.

 

Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022 -2023 của xã bình quân giảm hơn 5%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Ngoài các mô hình chăn nuôi từ hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Xy cũng triển khai mô hình trồng cây dược liệu quý, mô hình khoán bảo vệ rừng; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp...

 

Phó Chủ tịch UBND xã Xy Hồ Văn Ben cho biết: “Hiện nay các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Xy chủ yếu lựa chọn thực hiện mô hình nuôi lợn bản, dê, bò lai Sind... vì những mô hình này phù hợp với điều kiện của người dân, dễ nuôi, vốn ít và đầu ra tốt, nhanh có thu nhập. Không chỉ hộ ông Xa, ông Thăn mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác cũng đã có thu nhập từ các mô hình chăn nuôi. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mô hình đạt hiệu quả cao hơn, góp phần giảm nghèo bền vững và ngày càng có nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả”.

 

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua huyện Hướng Hóa đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo; xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ và lựa chọn cây trồng, vật nuôi dựa trên nhu cầu và thực tế tại địa phương.

 

Việc triển khai các dự án này được kỳ vọng sẽ là “cần câu” hiệu quả giúp các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Hướng Hóa sớm thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Nguồn: baoquangtri.vn

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

TIN ĐÃ ĐƯA
Hội thảo khoa học định hướng, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2025. (26/4/2024)
Phát triển bền vững mô hình nuôi cá lóc thương phẩm (19/4/2024)
Thông báo cuộc thi "Đề xuất ý tưởng, dự án khởi nghiệp" năm 2024 (4/4/2024)
Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng mướp khía (1/4/2024)
Nông dân làm giàu từ trang trại tổng hợp (27/3/2024)
Thanh niên vượt khó làm giàu (14/3/2024)
Nuôi tôm công nghệ cao - một hướng mở để phát triển bền vững nghề nuôi tôm (11/3/2024)
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò 3B ở Triệu Phong (1/3/2024)
Kinh tế phát triển nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp (21/2/2024)