Tìm kiếm
51 Trần Hưng Đạo Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
(0233) 3554715sotttt@quangtri.gov.vn
 

Kỳ vọng từ trồng cây trẩu lấy dầu


Ngày cập nhật: 07/02/2023 2:44:19 CH

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp đang mở ra hy vọng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.

 

Mô hình trồng rừng trẩu và cây bản địa do tổ chức MCNV hỗ trợ tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa - Ảnh: L.A

 

Năm 2019, ông Hồ Văn Thơn ở thôn Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) hỗ trợ chuyển đổi 4 ha cà phê kém hiệu quả sang trồng cây trẩu lấy dầu.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc, đến thời điểm này vườn cây trẩu lấy dầu của gia đình ông đang phát triển tốt và bắt đầu cho quả bói, hứa hẹn cho năng suất, sản lượng cao.

Theo ông Thơn, trẩu là cây trồng bản địa nhưng chủ yếu mọc phân tán trong rừng, vào mùa thu hoạch quả người dân địa phương thường đi khai thác tự phát mang về bán cho tư thương với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu chịu khó thu hái mỗi người có thể đạt thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.

Cũng theo ông Thơn, trước khi trồng, đơn vị thực hiện dự án hứa hẹn sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Vì vậy, tại xã Hướng Phùng hiện có rất nhiều hộ trồng trẩu lấy dầu.

“Cây cà phê thì già cỗi, cây bời lời thì xuống giá nên khi được hỗ trợ, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký trồng 4 ha. Nếu cây trẩu có giá trị bền vững gia đình tôi sẽ chuyển 2 ha đất rừng còn lại sang trồng trẩu lấy dầu”, ông Thơn cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết, từ năm 2019 đến nay, tổ chức MCNV đã hỗ trợ người dân trên địa bàn xã trồng được hơn 180 ha cây trẩu lấy dầu. Giữa các vườn trẩu lấy dầu có trồng xen canh thêm cây lõi thọ với tỉ lệ 30%. Ngoài ra, người dân cũng đã trồng phân tán được gần 10 ha. Qua đánh giá, nhìn chung cây trẩu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

“Theo khảo sát, hiện nay Hướng Phùng còn rất nhiều diện tích có thể chuyển sang trồng cây trẩu lấy dầu, đặc biệt là diện tích ở trên đồi cao không phù hợp với các loại cây trồng truyền thống như cà phê, sắn… Nếu chuyển đổi được diện tích này sang trồng cây trẩu lấy dầu thì rất tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có đầu ra ổn định cho hạt trẩu, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn đến bị tư thương ép giá”, ông Dương cho biết thêm.

Cây trẩu được đánh giá là loại cây sinh trưởng nhanh, thích nghi rộng ở nhiều vùng sinh thái và chịu được các điều kiện khắc nghiệt.

Dầu ép từ hạt trẩu là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc-ni, mực in, chất làm khô bề mặt, chất bôi trơn, công nghiệp dược phẩm, nhiên liệu sinh học…

Gỗ trẩu màu trắng, mềm, thường được bóc làm lớp phủ bề mặt của công nghệ chế biến gỗ dán rất có giá trị. Do vậy, trẩu được xem là cây lâm nghiệp đa tác dụng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, vừa mang lại nguồn thu nhập nhanh và liên tục để giúp người dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, vừa góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng.

Theo thống kê, tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, trong đó, khoảng 2.690 ha là rừng trồng tập trung, còn lại là trồng phân tán. Gần 98% diện tích rừng trẩu đã cho thu hoạch, nhiều diện tích cho năng suất cao, ổn định.

Sản phẩm từ cây trẩu được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là hạt trẩu với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn/ năm, phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động thu hoạch, sơ chế quả trẩu hiện nay diễn ra chủ yếu tự phát, manh mún, thủ công, chưa đúng kỹ thuật, thời vụ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, ảnh hưởng đến tính bền vững của rừng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc thông tin, nhằm phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 16,26 tỉ đồng.

Trong đó, kinh phí từ ngân sách và các chương trình, dự án là 13,53 tỉ đồng, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân… là 2,73 tỉ đồng.

Mục tiêu kế hoạch là phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô hợp lý gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ dầu trẩu.

Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ cây trẩu, nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và cải thiện đời sống đồng bào vùng cao.

Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2026, sẽ bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng gần 2.950 ha rừng trẩu hiện có, phấn đấu năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ ha trở lên; giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 20% trở lên so với hiện tại.

Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1.000 ha. Trồng mới bình quân khoảng 500 ha/năm, trong đó tỉ lệ giống cây trẩu được tuyển chọn, nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn gốc đạt từ 50% trở lên.

Hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 5.000 ha, hằng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Giúp tối thiểu 1.000 hộ gia đình tham gia được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trẩu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình.

Đến năm 2030 sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.320 ha, hằng năm cung cấp 4.000 tấn hạt trẩu chất lượng cao, phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt từ 5.000 ha trở lên. Tối thiểu có 2.000 hộ gia đình tham gia trồng và phát triển trẩu.

Theo kế hoạch, để nâng cao chất lượng các rừng trẩu và phục vụ việc trồng mới, tỉnh sẽ xây dựng các vườn ươm nhân giống cây trẩu chất lượng cao với quy mô 500.000 cây giống/năm; lựa chọn giống cây trẩu có năng suất vượt tối thiểu 15%, chất lượng cao và hàm lượng tinh dầu vượt trội tối thiểu 5% so với đại trà.

Đồng thời, hỗ trợ hình thành hệ thống thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm trẩu theo chuỗi liên kết.

Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các cơ sở chế biến dầu trẩu quy mô nhỏ (công suất dưới 100 tấn dầu thô/năm) và vừa (công suất từ 500 - 1.000 tấn dầu thô/năm) gắn với vùng nguyên liệu.

Mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu với công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất từ 500 - 1.000 tấn hạt/năm để tạo bước đột phá về đa dạng hóa các sản phẩm từ cây trẩu, có thương hiệu, uy tín, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Việc phát triển trồng trẩu lấy dầu sẽ giúp người dân có thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập; góp phần nâng cao độ che phủ rừng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới”, ông Quốc nhấn mạnh.

Nguồn: baoquangtri.vn

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

TIN ĐÃ ĐƯA
Nông dân làm giàu từ trang trại tổng hợp (27/3/2024)
Thanh niên vượt khó làm giàu (14/3/2024)
Nuôi tôm công nghệ cao - một hướng mở để phát triển bền vững nghề nuôi tôm (11/3/2024)
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò 3B ở Triệu Phong (1/3/2024)
Kinh tế phát triển nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp (21/2/2024)
Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng marketing và bán hàng cho thanh niên khởi nghiệp năm 2024 (25/1/2024)
Quảng Trị: Ban hành Đề án tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030 (24/1/2024)
Hiệu quả từ nuôi trâu sinh sản ở Triệu Đại (19/1/2024)
Giảm nghèo bền vững bằng các mô hình chăn nuôi ở xã Xy (8/1/2024)