Tìm kiếm
51 Trần Hưng Đạo Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
(0233) 3554715sotttt@quangtri.gov.vn
 

Công nghệ giúp những đồng lương của người lao động đến sớm


Ngày cập nhật: 16/11/2022 7:39:02 SA

Thay vì phải tìm tới tín dụng đen, hay thực hiện các khoản vay lãi suất cao, giờ đây người lao động có thêm một giải pháp tài chính linh hoạt từ chính tiền lương của mình.

Mô hình ba bên cùng có lợi

Với những người lao động phổ thông bình thường, mỗi tháng doanh nghiệp nơi họ làm việc sẽ chi trả lương từ 1-2 lần cố định. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu của người lao động đang ngày một tăng cao, các khoản phát sinh ngày một nhiều, việc nhận lương vào các ngày cố định không còn khả thi.

Cá biệt có những trường hợp mà người lao động phải tìm tới tín dụng đen để vay tiền, do phát sinh nhu cầu chi tiêu lớn mà kỳ trả lương còn cách xa. Có một ý tưởng được ra đời nhằm giải quyết bài toán chi trả lương của người lao động, được biết đến là mô hình "ứng lương" hay "nhận lương linh hoạt" (Earned Wage Access - EWA).

Ý tưởng về mô hình "ứng lương" khá mới mẻ. Cụ thể, các startup ứng lương sẽ cho phép người lao động được nhận lương sớm trước kỳ nhận lương thông thường, mà không phải chịu lãi suất, không chịu phí trả chậm, hay ảnh hưởng tới điểm tín dụng cá nhân. Đổi lại, người lao động sẽ phải trả một khoản phí nhỏ cho việc rút tiền, hoặc chính doanh nghiệp nơi họ làm việc sẽ trực tiếp trả khoản phí đó.

Tới ngày trả lương cố định, chủ doanh nghiệp sẽ chuyển tiền lương người lao động đến cho startup ứng lương để thu lại khoản đã ứng.

Về cơ bản, cả 3 thành tố trong mô hình này gồm: doanh nghiệp, người lao động và startup ứng lương đều có lợi. Người lao động có thể ứng lương sớm khi có nhu cầu tài chính phát sinh mà không cần đi vay, hay sử dụng các dịch vụ tài chính có lãi suất cao.

Startup ứng lương sẽ giữ vai trò trung gian cung cấp tài chính cho người lao động thông qua dữ liệu tiền lương từ doanh nghiệp, và thu phí ứng lương. Doanh nghiệp cũng hưởng lợi khi mang tới cho người lao động chế độ phúc lợi được đánh giá là tốt hơn, qua đó giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc.

 

Gần đây nhất, startup ứng lương Gimo đã huy động thêm 1,9 triệu USD

 

Mô hình đang trở nên thịnh hành

Thời gian qua, mô hình ứng lương đã được áp dụng ở nhiều nơi như Mỹ, Úc và một số quốc giá Châu Âu. Tại Mỹ, PayActiv là một trong những công ty tiên phong trong mảng ứng lương từ năm 2014 và đã kêu gọi được gần 134 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Uber từng bắt tay cùng Green Dot nhằm ứng lương cho các tài xế.  Walmart đã áp dụng mô hình ứng lương cho hơn 1,4 triệu nhân viên của mình. Hay DailyPay - một công ty ứng lương của Anh đã kêu gọi được 514 triệu USD.

Theo một nghiên cứu vào năm 2018 của Trường Havard Kennedy, người dùng PayActiv ít nhất hai lần có tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn người dùng PayActiv một lần tới 19%.

Còn theo một số nghiên cứu khác, phần lớn lao động bày tỏ sẵn sàng chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp có phúc lợi lương linh hoạt. Một số gia đình lao động có thu nhập thấp gặp căng thẳng tài chính trước kỳ lương 1-2 tuần. Lúc này chi lương linh hoạt có thể giúp họ tránh đối mặt với nợ xấu, bẫy tín dụng đen.

Tại Đông Nam Á, mô hình ứng lương tuy vẫn còn khá mới mẻ, nhưng cũng đã bắt đầu có những động thái "bắt nhịp" xu hướng. Vui App của Nano Technologies và Gimo hiện đang là hai startup ứng lương tiên phong tại Việt Nam.

Gimo thành lập năm 2019, cung cấp nền tảng giúp doanh nghiệp có thể tính toán lương của người lao động mọi thời điểm, từ đó cho phép người lao động có thể lĩnh lương sớm trước ngày trả lương định kỳ của doanh nghiệp.

Số tiền tạm ứng được tính dựa vào dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng. Và điều quan trọng là mọi giao dịch đều minh bạch, cập nhật theo thời gian thực.

Gần nhất, Gimo huy động thành công 1,9 triệu USD vòng hạt giống từ Integra Partners của Singapore. Tính đến thời điểm hiện tại, Gimo đã hợp tác với gần 80 công ty và phục vụ hơn 350.000 người lao động trên cả nước.

Ra đời cùng thời điểm với Gimo, Nano Technologies đã huy động được tổng cộng 3 triệu USD. Vui App của Nano Technologies phục vụ 100.000 người lao động tại Việt Nam và đặt mục tiêu phục vụ 500.000 người lao động trong tương lai.

 

Đồng sáng lập Nano Technologies là ông Nguyễn Việt Thắng (trái) và ông Đặng Việt Dũng (phải)

 

Mô hình ứng lương đang trở thành xu hướng

Chia sẻ về xu hướng ứng lương đang trở nên thịnh hành, ông Nguyễn Anh Quân - nhà sáng lập và CEO Gimo cho biết, nguyên nhân đầu tiên đến từ phía người lao động khi mà họ luôn mong muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính tốt, tử tế…

Nguyên nhân thứ 2 là do dịch bệnh và kinh tế khó khăn nên làm giảm khả năng tạo ra thu nhập của người lao động. Vì vậy, họ tìm kiếm những giải pháp tài chính phù hợp như mô hình "ứng lương".

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mà các mô hình "ứng lương" đang phát triển ở các nước khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore… "Tất cả những yếu tố trên sẽ giúp cho mô hình ứng lương trở thành xu hướng ở Việt Nam", ông Quân khẳng định.

Về những tác động bước đầu của mô hình "ứng lương", báo cáo gần đây của Gimo cho thấy, đa số người lao động (76%) nhận lương linh hoạt từ 1 - 2 lần/ tháng và 56% nhận trước ít hơn 4,5 triệu đồng/tháng.

Đối với lý do nhận lương sớm của người lao động: hầu hết những người tham gia khảo sát (51%) sử dụng Gimo để trang trải các chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, chi phí chăm sóc và học hành của con cái…; 20% dành cho các chi phí phát sinh như đám cưới…; 13% dành cho mua sắm.

Việc nhận lương linh hoạt cũng khiến sức khỏe tài chính của người lao động tăng lên, khi 80% người cảm thấy hài lòng hơn với chính sách của công ty kể từ khi được nhận lương linh hoạt; 79% cảm thấy bớt căng thẳng tài chính hơn kể từ khi được nhận lương linh hoạt; 40% không còn hoặc ít sử dụng các dịch vụ tài chính phi chính thống kể từ khi được nhận lương linh hoạt.

Về phía Nano Technologies, đại diện startup này đánh giá, mô hình "ứng lương" sẽ là tiêu chuẩn trả lương mới tại nhiều doanh nghiệp. Bởi đây là mô hình có thể hài hòa lợi ích của nhiều bên, đồng thời giải quyết các bài toán an sinh xã hội.

Xa hơn, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới. Khi dòng vốn và chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ, đồng nghĩa thị trường lao động đi lên, thì những tiêu chuẩn về phúc lợi cũng sẽ được nâng cao.

"Chúng tôi có niềm tin vào triển vọng của mô hình ứng lương tại Việt Nam. Đi cùng sự phát triển của thị trường, xã hội, "ứng lương" trao quyền nhiều hơn cho người lao động và sẽ là công cụ đắc lực đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển nguồn lực bền vững", phía Nano Technologies nhấn mạnh.

Nguồn: startuphaiphong.com

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

TIN ĐÃ ĐƯA
Đại học khởi nghiệp sẽ thay đổi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (8/4/2024)
Đưa sản phẩm Việt ra "đại dương xanh" bằng TMĐT xuyên biên giới (11/3/2024)
'Ông lớn' Hàn Quốc chắp cánh cho xe máy điện Việt Nam (1/3/2024)
Khởi nghiệp thành công với ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch (21/2/2024)
Việt Nam cần phát triển tài năng khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn (24/1/2024)
Tạo ra "thế giới phẳng" thực sự của ĐMST thông qua kết nối các hệ sinh thái quốc tế (19/1/2024)
Thiếu cơ chế nâng tầm trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (8/1/2024)
Hợp tác nâng cao năng lực Kinh doanh Số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam (23/1/2024)
3 điểm mạnh của môi trường đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam (20/12/2023)