Tìm kiếm
51 Trần Hưng Đạo Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
(0233) 3554715sotttt@quangtri.gov.vn
 

Vì sao thị trường Việt Nam chưa thể trở thành ‘cỗ máy sản xuất kỳ lân’?


Ngày cập nhật: 25/09/2023 8:55:22 SA

Thị trường công nghệ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ đang đặt áp lực cho Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp non trẻ, thu hút nguồn lực và tạo ra các kỳ lân mới.

 

Cuối năm 2021, ví điện tử MoMo chính thức trở thành kỳ lân thứ 3 của Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam vẫn chưa đón thêm bất kì một kỳ lân mới nào. Ảnh: T.L.

 

Tốc độ sản xuất kỳ lân vẫn rất chậm

 

Tính đến hiện tại, sau 7 năm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp (từ 2016), Việt Nam hiện có 3 kỳ lân (startup định giá tỷ USD) gồm MoMo, VNG và VNLife. Con số này cũng đáng khích lệ với hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ, nhưng cũng đáng lo ngại khi hiện nay, các nước trong khu vực cũng đang chạy đua phát triển thị trường khởi nghiệp.

 

Không so sánh với những nước đã có thị trường khởi nghiệp phát triển nhiều năm như Mỹ, Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… chỉ cần nhìn sang những nước hàng xóm như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... có thể thấy rõ điều này.

 

Indonesia hiện có 2.300 công ty khởi nghiệp (theo statista), ít hơn số lượng 3.800 startup của Việt Nam. Nhưng tổng vốn mà startup nước này huy động được trong 3 tháng đầu năm nay đạt trị giá 11,96 tỷ USD (theo tradingeconomics.com). Con số này gấp rất nhiều lần với mức 66 triệu USD mà startup Việt huy động được trong 6 tháng đầu năm (theo Tracxn).

 

Bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc, Indonesia cũng đang nổi lên thành thị trường công nghệ quan trọng của khu vực. Quốc gia này hiện có 9 công ty kỳ lân và 2 công ty decacorn (siêu kỳ lân với giá trị trên 10 tỷ USD) – GoTo Group và J&T Express.

 

Thái Lan hiện tại cũng chỉ mới có 3 kỳ lân là LINE MAN Wongnai, Ascend Money và Flash Express (theo Failory), với hơn 1.000 công ty khởi nghiệp tính đến hết năm ngoái (theo techinasia). Nhưng startup nước này đã chứng minh việc “nhỏ nhưng có võ” thông qua khả năng gọi vốn mạo hiểm. Tổng số vốn rót vào thị trường khởi nghiệp Thái Lan đạt mức 530 triệu USD trong quý đầu năm nay, cao hơn cả cùng kì năm 2019, thời điểm nguồn vốn toàn cầu chưa bị thắt chặt, theo DealStreetAsia.

 

Ấn Độ được xem là “hiện tượng” trong hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới. Năm 2022, nước này đã vươn lên thành nền kinh tế khởi nghiệp lớn thứ 3 thế giới khi có 108 kỳ lân, chỉ xếp sau Mỹ (661 kỳ lân) và Trung Quốc (312 kỳ lân), theo Orios Venture Partners. Chỉ trong năm qua, Ấn Độ đón thêm 21 kỳ lân mới, gấp 7 lần số lượng kỳ lân của Việt Nam tạo được trong 7 năm qua. Số lượng công ty khởi nghiệp nước này đạt tới con số 99.000 startup (theo Invest India).

 

“Tình hình sắp tới sẽ không tốt hơn vì kinh tế Việt Nam so với Ấn Độ và Indonesia không tốt bằng. Thị trường vẫn có vốn cho đầu tư mạo hiểm là Ấn Độ. Vì trong 20 năm tới, Ấn Độ đang có dân số đông nhất thế giới, ngành công nghệ phát triển mạnh, sẽ thay thế cho Trung Quốc. Ấn Độ có thị trường chứng khoán khá tốt nên các nhà đầu tư đã thu hồi được vốn”, ông Đỗ Huy Dũng, Tổng Giám Đốc Vietnam Investment Group, quỹ từng đầu tư cho hàng chục startup và doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, nhận định.

 

Startup Việt Nam yếu về quản trị, thiếu vốn và cả sự hỗ trợ của các thành phần khác trong hệ sinh thái. Ảnh: T.L.

 

Mạnh dạn rũ bỏ những cái cũ

 

 

Startup Việt Nam còn yếu về quản trị, vận hành nên năng lực cạnh tranh thu hút vốn cũng còn hạn chế. Năm 2022, Bộ Khoa học Công nghệ đưa ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, tức huy động mọi nguồn lực từ nhà đầu tư, viện trường, nhà nghiên cứu, startup, tập đoàn, địa phương… trong một sân chơi để hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều chuyên gia đánh giá sự liên kết này còn lỏng lẻo.

 

Bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc Vận hành Quỹ Startup Vietnam Foundation (SVF) cho biết, chúng ta nói về đổi mới sáng tạo mở, đòi hỏi các tập đoàn nên đầu tư cho startup, nhưng rất ít người có thể trả lời rõ ràng cho họ vì sao họ phải làm điều đó. Ai cũng thấy được tiềm năng dành cho tập đoàn khi đầu tư cho startup, nhưng vẫn thiếu câu chuyện thành công để trả lời cho câu hỏi tại sao.

 

Đại diện Quỹ SVF cho biết các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Úc hay Singapore… đều suy nghĩ như vậy.

 

Bà Quyên lấy ví dụ tại Singapore, nhà nước bỏ ra một số vốn mồi nhỏ là 10.000 USD cho một đội ngũ startup 4 người, họ có thể tự trải nghiệm, tự học, tự nâng cao năng lực bản thân trong 1 năm. Như vậy, số vốn đầu tư cho một tài năng thấp hơn rất nhiều so với việc để cho người ấy lăn lộn trong môi trường tập đoàn trong 5 năm, 10 năm mà chưa chắc họ đã học được những bài học đó. Vì vậy, vốn đầu tư cho khởi nghiệp thực tế đầu tư cho con người bởi Singapore không có tài nguyên ngoài nguồn nhân lực.

 

Hay tại Thái Lan, một hiện thực thú vị là hầu như tất cả các ngân hàng lớn, tập đoàn lớn của Thái Lan có những chương trình đổi mới sáng tạo mở. Các gian hàng trong các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia không phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ hay startup, mà chính là các tập đoàn. Bởi văn hóa của họ là “Tôi có – anh cũng có”. Khi một ngân hàng có chương trình đổi mới sáng tạo mở, các ngân hàng khác cũng phải có, tức có sự cạnh tranh về thị trường với đối thủ.

 

“Câu chuyện đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn thiếu chữ Why (Tại sao)? Chúng ta chọn chương trình khởi nghiệp quốc gia từ rất lâu rồi, nhưng chữ Why được định nghĩa khác nhau giữa các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư và chính bản thân các doanh nghiệp doanh nhân lại khác. Nếu không chọn được một lý do chung thì tôi nghĩ sự kết nối và hợp tác sâu sắc rất khó xảy ra.

 

Ngay cả trong câu chuyện kêu gọi nguồn lực, World Bank từng đến Việt Nam cách đây 4 tháng, họ làm nghiên cứu hệ sinh thái của Việt Nam. Trong buổi chia sẻ, họ nói với tôi rằng Việt Nam có đầy đủ các thành tố trong hệ sinh thái, không thiếu thứ gì. Nhưng có điểm khác với thị trường khác là họ không thấy sự liên kết mạnh mẽ giữa từ trường đại học thành startup. Đối với họ đó là kết nối quan trọng, và chúng ta thiếu các giải pháp công nghệ mạnh từ trường đại học để làm nền tảng cho khởi nghiệp”, bà Quyên nêu vấn đề.

 

Nguồn: startuphaiphong.com

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

TIN ĐÃ ĐƯA
Đại học khởi nghiệp sẽ thay đổi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (8/4/2024)
Đưa sản phẩm Việt ra "đại dương xanh" bằng TMĐT xuyên biên giới (11/3/2024)
'Ông lớn' Hàn Quốc chắp cánh cho xe máy điện Việt Nam (1/3/2024)
Khởi nghiệp thành công với ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch (21/2/2024)
Việt Nam cần phát triển tài năng khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn (24/1/2024)
Tạo ra "thế giới phẳng" thực sự của ĐMST thông qua kết nối các hệ sinh thái quốc tế (19/1/2024)
Thiếu cơ chế nâng tầm trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (8/1/2024)
Hợp tác nâng cao năng lực Kinh doanh Số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam (23/1/2024)
3 điểm mạnh của môi trường đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam (20/12/2023)