Tìm kiếm
51 Trần Hưng Đạo Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
(0233) 3554715sotttt@quangtri.gov.vn
 

Thiếu cơ chế nâng tầm trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp


Ngày cập nhật: 08/01/2024 8:35:24 SA

Phải có sự rõ ràng về cơ chế, chính sách và sự đồng bộ trong triển khai thì các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mới có thể trở thành thương hiệu quốc gia, là điểm đến khi bất cứ ai có ý tưởng khởi nghiệp.

 

Không gian khởi nghiệp tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương

 

Nhiều địa phương trên cả nước đã và đang xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp nhưng còn rất nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể, nhiều nút thắt dẫn đến các địa phương không dám triển khai hoặc còn triển khai tự phát, chưa hiệu quả.

 

Rõ ràng về cơ chế, chính sách

 

Hiện nay có đến hơn 20 địa phương trên cả nước đang xây dựng các trung tâm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, do chưa có những cơ chế, chính sách rõ ràng, rất nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong số đó vẫn đang xây dựng và hoạt động theo hướng tự học hỏi, tự mày mò, chưa có tính hệ thống.

 

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ Hải Phòng, khẳng định đây chính là giai đoạn cần thiết để chúng ta lưu tâm giải quyết vấn đề này bằng chính sách và để có sức nặng, những quy chế, chính sách này phải từ tầm nghị định và cần phải rất rõ ràng.

 

“Thứ nhất, theo tôi là nên có một nghị định, sau nghị định là thông tư để quy định rõ, hình thành chức năng pháp lý của trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và cơ chế chính sách kèm theo. Tôi cho rằng đây là giai đoạn cần thiết để tham mưu với chính phủ ban hành nghị định và sau đó để bộ ban hành thông tư”, ông Vinh đề xuất.

 

Dựa trên những quy định cụ thể, các địa phương, các tổ chức có thể đưa ra những kế hoạch, những quy định để có hành lang pháp lý rõ ràng trong việc phát triển một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của địa phương, của quốc gia hay của toàn khu vực.

 

Theo ông Vinh, những tài liệu này nên quy định rất rõ ràng, cụ thể và chi tiết vì đây là những quy định mang tính xuyên suốt và có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình phát triển về sau của các trung tâm.

 

Lấy việc quy định về loại hình của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm ví dụ, hiện nay, thực hiện theo Nghị định 60, các đơn vị tổ chức sự nghiệp có rất nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất là tự chủ toàn phần, cả chi đầu tư và chi thường xuyên. Thứ hai là tự chủ không thường xuyên. Thứ ba là nhà nước đầu tư hỗ trợ một phần và thứ tư là nhà nước đầu tư 100%.

 

Về vấn đề này, ông Vinh nêu ý kiến rằng một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp là một tổ chức mang tính hỗ trợ, không phải là tổ chức kinh doanh nhưng cũng Nhà nước cũng không nên bao cấp 100% bởi với vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, bản thân trung tâm này cũng cần phải năng động, linh hoạt.

 

Nếu độc lập tự chủ 100% cho hoạt động khởi nghiệp thì rất khó thành công. Nếu ngược lại, việc bao cấp 100% sẽ tạo sức ỳ, không tạo ra được sự năng động trong môi trường này.

 

Và với cách vận hành như vậy, theo điểm 2, điều 9, Nghị định 60, đây phải là một tổ chức được ngân sách đảm bảo một phần chi thường xuyên.

 

Theo ông Vinh, một trong những cơ chế quan trọng nữa mà cần phải có giải pháp hợp lý, đó là cơ chế để tạo môi trường làm việc và thu hút nhân tài. Với doanh nghiệp ngoài, doanh nghiệp tư nhân thì rất dễ, nhưng với một đơn vị sự nghiệp công thì có rất nhiều bài toán phải giải.

 

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một tổ chức đặc thù, tư vấn để các doanh nghiệp hình thành, hay như ông Vinh nói nôm na "là một tổ chức làm thầy để dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển."

 

Vì vậy vai trò, trình độ nhân sự của trung tâm này phải tương đối đặc biệt: phải có kiến thức tổng hợp; rất am hiểu về kinh doanh, về tổ chức; rất am hiểu về chiến lược phát triển một doanh nghiệp; am hiểu về công nghệ, thị trường. Khi đó thì trung tâm mới trở thành đầu mối.

 

Rõ ràng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có thể nhận sự giúp đỡ từ có các đội ngũ chuyên gia trong hệ sinh thái, nhưng đội ngũ ở trung tâm phải là đội ngũ cốt lõi, dẫn dắt, phải là một bên kiến tạo.

 

Trong khi đó, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thuộc khối công đương nhiên là phải chịu cơ chế chung của Nhà nước, theo hệ số, và với thu nhập đó rất khó tuyển dụng được người tài.

 

“Theo tôi thấy về nhân lực có mấy cái cần quan tâm, đầu tiên đó là tuyển dụng, đào tạo và tạo môi trường thân thiện, minh bạch để anh em làm việc và cuối cùng là thu nhập. Giải quyết được ba câu hỏi này thì chúng ta mới có được nguồn nhân lực tốt. Đây là bài toán rất khó mà qua thực tiễn vận hành chúng tôi nhận thấy”, ông Vinh nhấn mạnh.

 

Đồng bộ để làm nên thương hiệu

 

Theo ông Vinh, để mỗi khi người dân, các doanh nghiệp, tổ chức manh nha ý tưởng, hay có những khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ trong hoạt động khởi nghiệp thì họ nghĩ ngay đến một đến một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cấp địa phương, cấp vùng hay cấp quốc gia, các trung tâm cần có sự đồng bộ trên nhiều mặt.

 

Đầu tiên là về mặt tên gọi. Các trung tâm ở các địa phương hiện nay đang trong tình trạng mỗi nơi một cái tên: “Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Trung tâm đổi mới sáng tạo” đến “Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo”, dẫn đến việc khi thành lập, hợp nhất, sát nhập, tính thương hiệu, xuyên suốt sẽ yếu.

 

Về vấn đề này, ông Vinh đề xuất quan điểm sử dụng thống nhất cái tên “Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, khi đó vai trò, chức năng của trung tâm sẽ rõ hơn, gắn với câu chuyện phát triển thương hiệu của một tổ chức.

 

Tiếp theo, về vấn đề nâng cao chất lượng nội dung hoạt động, ông Vinh đề xuất Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham mưu để có thể xây dựng xuyên suốt những chức năng chính của trung tâm. 

 

Từ đó, Cục có thể xây dựng ra một quy trình, tương tự như hệ thống ISO quản lý, sau đó, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương, từng trung tâm có thể điều chỉnh các yếu tố của mình và thay đổi, chỉnh sửa sao cho phù hợp.

 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ý kiến về việc đồng bộ và chuẩn hóa tài liệu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo… Có như vậy, hệ thống các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước mới xuyên suốt và đồng bộ.

 

Nguồn: startuphaiphong.com

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

TIN ĐÃ ĐƯA
Đại học khởi nghiệp sẽ thay đổi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (8/4/2024)
Đưa sản phẩm Việt ra "đại dương xanh" bằng TMĐT xuyên biên giới (11/3/2024)
'Ông lớn' Hàn Quốc chắp cánh cho xe máy điện Việt Nam (1/3/2024)
Khởi nghiệp thành công với ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch (21/2/2024)
Việt Nam cần phát triển tài năng khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn (24/1/2024)
Tạo ra "thế giới phẳng" thực sự của ĐMST thông qua kết nối các hệ sinh thái quốc tế (19/1/2024)
Thiếu cơ chế nâng tầm trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (8/1/2024)
Hợp tác nâng cao năng lực Kinh doanh Số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam (23/1/2024)
3 điểm mạnh của môi trường đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam (20/12/2023)